Tin mới Liên hệ

7 nơi cấm ôtô trên thế giới

Anh Tuấn 26/09/2022

Ghent (Bỉ): Vài năm trước, trung tâm thành phố Ghent vẫn thường xuyên xảy ra cảnh ùn tắc, thiếu chỗ đậu xe. Nhiều quán cà phê đã phải dẹp bỏ khu vực ngồi ngoài trời do ô nhiễm không khí và tiếng ồn nghiêm trọng. Vào năm 2017, thành phố đưa ra một khái niệm di chuyển mới, gọi là "Ciratieplan" (kế hoạch lưu thông). Theo đó, chỉ xe buýt, taxi và dịch vụ cứu hộ được phép tiếp cận trung tâm thành phố. Xe giao hàng phải rời trung tâm trước 11h. Ảnh: Independent.

Lamu (Kenya): Hòn đảo này được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Đây là nơi định cư lâu đời và bảo tồn tốt nhất của cộng đồng nói tiếng Swahili ở Đông Phi. Lamu không cho phép ôtô xuất hiện trên đảo để bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời. Người trên đảo chủ yếu di chuyển bằng xe đạp, lừa hoặc đi bộ. Ảnh: Dreamstime.

Zermatt (Thụy Sĩ): Nằm ở chân núi Matterhorn, thị trấn Zermatt không có bóng của chiếc ôtô nào trên đường. Các phương tiện cá nhân có thể di chuyển đến Täsch - thị trấn nhỏ cách Zermatt khoảng 5 km. Sau đó, bạn lên tàu để tới thành phố. Trung bình, khoảng 20 phút sẽ có một chuyến tàu. Tới Zermatt, du khách có thể khám phá thành phố bằng cách đi bộ, xe đạp, xe ngựa hoặc e-taxi, e-bus. Ảnh: Madelineu.

Đảo Hydra (Hy Lạp): Không có bất kỳ phương tiện cơ giới nào tại đảo Hydra, một phần của quần đảo Saronic, Hy Lạp. Loại xe duy nhất được xuất hiện là xe chở rác. Nhờ việc không có xe cộ, du khách có thể thoải mái thưởng ngoạn những tòa nhà lát gạch đỏ, tường trắng đẹp như tranh vẽ ở đây. Ảnh: The Guardian.

Fes el Bali (Morocco): Nơi đây có những con phố vẫn giữ được nét đẹp từ thời Trung cổ. Đây là một trong những đô thị không ôtô lớn nhất thế giới. Một phần lý do ôtô không xuất hiện tại đây là đường quá hẹp, hoàn toàn không thể đi lại. Do đó, người dân chủ yếu đi bộ, xe lừa hoặc xe đẩy. Ảnh: Lifestyle Asia.

Phố cổ Dubrovnik (Croatia): Được mệnh danh "Hòn ngọc của Adriatic", Dubrovnik nổi bật với sự đa dạng của các nhà thờ Gothic, Phục hưng và Baroque cùng những mái ngói đỏ lộng lẫy vào lúc hoàng hôn. Nếu muốn đi xe tới đây, bạn sẽ phải gửi bên rìa phố cổ. Vào những đợt cao điểm du lịch, việc tìm chỗ đậu xe để tham quan Dubrovnik khiến nhiều du khách ngán ngẩm. Ảnh: Embrace Someplace.

Civita di Bagnoregio (Italy): Thị trấn nằm trên đồi này nổi bật với địa hình độc đáo. Nó không nổi tiếng như Siena hay Assisi nhưng cũng thu hút lượng lớn khách du lịch hàng năm. Để đi vào thị trấn, bạn phải đi qua cây cầu dài khoảng 300 m. Bên cạnh việc không có ôtô lưu thông, Civita di Bagnoregio cũng nổi tiếng với cái tên "thị trấn chết". Số dân cư ở đây hiện chỉ còn vỏn vẹn 11 người. Trong khi đó, núi đá tufa dưới chân thị trấn đang bị xói mòn dữ dội. Điều này khiến Civita di Bagnoregio đứng trước nguy cơ sụp đổ. Ảnh: Lorenzo Taccioli.
 

Bài viết liên quan