LẠC DƯƠNG (Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc)
Cùng với Trường An, Nam Kinh và Bắc Kinh, Lạc Dương là tứ đại cố đô của Trung Hoa. Vào thời Trung Cổ, Lạc Dương là một trong những đô thị nhộn nhịp bậc nhất thế giới. Tính đến nay, thành phố có lịch sử hơn 3.000 năm và là kinh đô của 13 triều đại phong kiến, sở hữu 13 di sản thế giới.
Tuy nhiên, những di sản hầu như đã bị phá hủy nhiều mà tất cả hiện nay chỉ còn là tàn tích và được phục dựng lại. Có lẽ vì vậy, người ta gọi Lạc Dương là “kinh đô bị lãng quên”.
HANG ĐÁ LONG MÔN
Là di sản thế giới cách trung tâm Lạc Dương 15km, có chiều dài hơn 1km, với khoảng 100.000 bức tượng trong hơn 2.300 hang động. Những bức tượng được điêu khắc sớm nhất vào thời Bắc Ngụy (thế kỷ thứ 5), trong khi một số thuộc nhà Tùy và Đường. Trong Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai, người Nhật đã cướp phá địa điểm này và đưa nhiều bức tượng về Nhật Bản. Nhiều hiện vật quan trọng của Long Môn hiện đang ở trong bảo tàng Nhật Bản. Các hiện vật chính tại Long Môn đã bị các nhà sưu tập cổ vật phương Tây săn lùng trong giai đoạn đầu thế kỷ 20, số khác bị phá hủy trong Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản. Những hang động ở đây được tạc nhiều nhất vào những năm trị vì của Cao Tông và Võ Tắc Thiên.
Cùng với hang Mạc Cao và hang đá Vân Cương, hang đá Long Môn là một trong 3 địa điểm điêu khắc cổ đại nổi tiếng nhất ở Trung Quốc. Theo tài liệu xưa ghi lại, hang đá Long Môn được bắt đầu xây dựng từ thời Hán Văn Đế (khoảng năm 471-477) và phải trải qua hơn 400 năm mới được hoàn thành. Tính đến nay nó đã có hơn 1.500 năm lịch sử.
MINH ĐƯỜNG THIÊN ĐƯỜNG
Ở trung tâm thành phố Lạc Dương có khu di tích Minh Đường – Thiên Đường. Năm 690, Võ Tắc Thiên xưng hoàng đế, định đô tại Lạc Dương và đổi tên kinh đô là Thần Đô. Minh Đường – Thiên Đường cũng được xây dựng vào khoảng thời gian đó. Minh Đường là nơi thực hiện các nghi lễ cung đình, bao gồm cả nghi thức tạ trời đất, hay để Võ Tắc Thiên tiếp quần thần. Thiên Đường là tòa tháp cao nhất Lạc Dương khi đó, 9 tầng tháp là nơi để thờ đức Phật.
Tuy nhiên, do chiến tranh di tích này đều bị tàn phá không còn dấu tích. Đến năm 1986, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra dấu tích di chỉ Minh Đường cách đây gần 1300 năm. Đến nay, Minh Đường – Thiên Đường ở Lạc Dương đều đã được xây dựng mới. Họ vẫn giữ nguyên hình dáng Minh Đường – Thiên Đường theo các bản vẽ xưa, nền móng cũ của Minh Đường được lưu giữ và bảo tồn để du khách tham quan.
Quần thể hoàng cung nơi Võ Tắc Thiên trị vì giang sơn rộng gấp 6 lần Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh.
Một năm trước khi chiếm đoạt ngai vàng (689), Minh Đường được hoàn thành nhằm chứng tỏ cho triều thần biết giang sơn này sẽ thuộc về ai. Mỗi ngày sử dụng mấy vạn công nhân, toàn bộ gỗ quý ở vùng Giang Nam và Lĩnh Nam được cống nạp và ngân khố quốc gia gần như khánh kiệt bởi đó là những kiến trúc hết sức hùng vĩ và sang trọng.
Ngày nay, nơi đây hiện giống như một viện bảo tàng, trong đó bạn có thể tìm hiểu về kiến trúc Minh Đường qua các thời kỳ, nghi lễ cúng tế trời đất, xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật, xem đoạn trích “Địch Nhân Kiệt xử án”…
BẠCH MÃ TỰ
Chùa Bạch Mã theo truyền thuyết là ngôi chùa Phật giáo đầu tiên được xây dựng trên đất nước Trung Quốc. Ngôi chùa này được xây dựng năm 68 sau Công nguyên, dưới thời Hán Minh Đế triều Đông Hán, tại kinh đô Lạc Dương. Chùa được xây bên ngoài tường thành cố đô triều Đông Hán, khoảng 12-13km phía Đông thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam ngày nay. Sẽ mất khoảng 40 phút đi bằng xe buýt Số 56 từ ga Lạc Dương để đến Bạch Mã Tự. Mặc dù ngôi chùa này nhỏ hơn nhiều so với các ngôi chùa khác tại Trung Quốc, nhưng nó được hầu hết các tín đồ xem là "cái nôi của Phật giáo Trung Hoa”.
Bạch Mã Tự trải qua ngàn năm tuổi, nhưng kiến trúc và sắc màu của nó vẫn sừng sững bất biến, thách thức thời gian. Nó mang theo dấu ấn cho sự khởi phát của Phật pháp gieo duyên miền đất Trung thổ. Dù trải qua bao cuộc binh biến, Bạch Mã Tự vẫn hiên ngang kiên cố, như chứng nhân của lịch sử và các giá trị của quá trình giao lưu văn hóa lâu dài giữa 2 quốc gia được xem là nền văn hóa lớn của khu vực: Trung Hoa và Ấn Độ.
Có thể thấy rằng Bạch Mã Tự không hổ danh là một ngôi chùa cổ nhất Trung Quốc, là nơi đầu tiên dung chứa kinh Phật. Hơn thế, nó là một kiệt tác kiến trúc với sự khéo léo trong bài trí, thiết kế hoàn hảo, tinh xảo của trí tuệ con người thời đó. Đó cũng là kho tàng nghệ thuật kiến trúc bền vững với thời gian.
BẢO TÀNG MỘ CỔ LẠC DƯƠNG
Cả Trung Quốc duy nhất chỉ Lạc Dương có Bảo tàng Cổ mộ bởi về địa lý phong thủy, đây là đất được các đế vương, quan lại, danh sĩ chọn làm nơi an nghỉ. Các khu mộ nổi tiếng ở Lạc Dương có thể kể tên như: Bá Di, Thúc Tề, Tô Tần, Trương Nghi, Lã Bất Vi, Trần Bình, Trương Lương, Quan Vũ , Địch Nhân Kiệt, Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ…
LỆ CẢNH MÔN (phố đi bộ và ẩm thực)
Nằm ở trung tâm Lạc Dương có Lệ Cảnh Môn, là cánh cổng thành phía tây còn mang dấu tích của thành Lạc Dương thời xưa. Bước qua cổng thành là phố đi bộ và phố ẩm thực có thế nói “trên là trời, dưới là đồ ăn”. Đến đây bạn đừng quên ăn thử món Thủy Tịch (phiên âm là Shuixi), món ăn đã hơn 1000 năm tuổi và chỉ ở Lạc Dương mới có. Thủy Tịch là dạng món ăn (giống súp của Việt Nam) được nấu theo kiểu nước sốt sánh, có nhiều vị chua, cay, mặn, ngọt để bạn lựa chọn
Thành phố Lạc Dương, cái nôi của Phật giáo và văn minh Trung Hoa, chắc chắn còn rất nhiều điều lý thú khác để tìm hiểu. Đến Lạc Dương không chỉ để sống vào thời khắc hiện đại của chế độ đương thời mà còn là để cảm được một tinh hoa của thời phong kiến phồn vinh.
>> xem thêm: Điểm đến hấp dẫn - Tour Trung Hoa Huyền Bí