Phố Chinatown ở Yaowarat, phía nam thành phố Bangkok, Thái Lan luôn đông đúc với các hàng quán tràn ra vỉa hè. Tại đây thường tấp nập khách du lịch sau 17h. Người ta đến đây để mua sắm quần áo, vải vóc, giày dép... và thưởng thức hàng trăm món ăn đường phố như cơm, mì, chè, bánh mì, bánh tiêu, xôi xoài...
Chinatown ở Singapore xuất hiện từ khoảng năm 1821, được coi là cái nôi đầu tiên của những khu phố Tàu. Khu phố này rất cổ kính với những ngôi đền, chùa, miếu... hàng trăm năm tuổi và những ngôi nhà, gian hàng bán những mặt hàng đặc biệt như đồ gốm sứ cổ, đồ ăn truyền thống Trung Quốc.
Khu phố Chinatown ở Kuala Lumpur, Malaysia tọa lạc ngay trung tâm thủ đô. Ban ngày, khu phố này có vẻ khá yên ắng và không có gì nổi bật. Từ khoảng chiều tối đến đêm, Chinatown trở thành một trong những khu vui chơi giải trí và mua sắm tấp nập nhất tại Kuala Lumpur.
Nằm ở phía nam trung tâm thành phố Sydney, Australia, khu phố Chianatown được thành lập từ những năm 1920. Khi đó, khu phố là nơi sinh sống của người Hoa với dân số chỉ khoảng vài trăm người. Trong khu phố có một trung tâm thương mại lớn, những gian hàng đồ lưu niệm, quần áo cùng những quán ăn đậm chất Trung Quốc.
Không giống những khu phố Chinatown khác, phố Tàu ở Manhattan, New York, Mỹ rất rộng rãi và ngăn nắp. Dọc con phố này là những tòa nhà cao tầng, bên dưới là các nhà hàng phục vụ món ăn Trung Quốc, bên trên là nơi dành cho những người Hoa sinh sống.
Khu phố Chinatown ở Yokohama, Nhật Bản được thành lập sau khi cảng Yokohama được xây dựng. Đây là nơi tập trung chủ yếu của những người Trung Quốc đến từ Quảng Đông. Chinatown Yokohama có tới 10 chiếc cổng. Các cánh cổng nằm ở Đông, Tây, Nam, Bắc được thiết kế như tứ thần bảo hộ 4 phương, dựa trên triết lý phong thủy. Trong con phố này chủ yếu bán thực phẩm và những món ăn của người Trung Quốc.
Chinatown ở Vancouver, Canada là một trong những khu phố Tàu lớn nhất trên thế giới. Nơi đây ban đầu là nơi sinh sống chủ yếu của những người Trung Quốc đến Canada làm nghề khai thác mỏ và xây dựng tuyến đường sắt xuyên Canada. Trong khu phố này, quần áo được bán chất đống trên đường với giá chỉ vài đôla, hay những món ăn cổ truyền Trung Quốc giá rẻ.
Ban đầu, con phố Chinatown ở Melbourne, Australia chưa được gọi là “Chinatown” bởi vì chỉ có một vài hộ dân người Trung Quốc sống ở đây. Nhưng về sau, người Trung Quốc đến đây ngày một nhiều. Họ tạo nên một khu phố với những hàng quán và nét văn hóa đặc trưng của người Hoa, khiến nó trở nên nổi bật và thu hút rất nhiều khách du lịch ghé thăm hàng năm.
Từ những năm 1920, đã có rất nhiều người Hoa di cư đến Paris, Pháp. Những người này đều tập trung đến Chinatown, nơi có những người sinh viên Trung Quốc sinh sống trước đó và tạo nên một con phố Tàu, phố Châu Á sầm uất từ đó cho tới tận bây giờ. Nơi đây còn lưu lại rất nhiều đền, chùa mang nét đặc trưng của người châu Á và những gian hàng, quán ăn tấp nập khách du lịch giống như những khu Chinatown khác.
Khu phố Chinatown ở Manila, Philippines nằm trên con đường Binondo nên còn được gọi với tên gọi khác là Foi Binondo. Ở đây có nhiều quán ăn bình dân với các món ngon đặc trưng như bánh bao, vịt quay, chân gà, dim sum... với giá cả phải chăng.
Khu Chinatown ở Incheon là khu phố Tàu duy nhất còn tồn tại ở Hàn Quốc. Khu phố này nằm trên đường Seonlin-dong, Jung-gu, thành phố Incheon. Ở khu phố này, người ta chủ yếu bán các món ăn truyền thống của người Trung Quốc, quần áo và đồ lưu niệm. Tuy nhiên, con phố này có phần vắng vẻ hơn những Chinatown ở những nơi khác.