Tết Trung thu là một trong những dịp lễ quan trọng của người dân Đài Loan. Chính vì vậy, khi ghé thăm hòn đảo vào thời gian này, du khách không chỉ có cơ hội tìm hiểu về văn hóa mà còn là dịp để thưởng thức những món ăn hấp dẫn. Một trong số đó có thể kể đến là bánh Trung thu. Bánh Trung thu truyền thống của người Đài thường có hình tròn, kích thước nhỏ hơn so với bánh của Việt Nam. Thay vì là vỏ bánh nướng, bánh lại có lớp vỏ nghìn lớp cùng phần nhân khá đa dạng như: trứng muối, đậu đỏ, đậu xanh...
Ngoài bánh trung thu, những năm gần đây, người dân Đài Loan còn hình thành truyền thống quây quần bên bếp lửa và nướng thịt vào dịp Tết Trung thu. Ghé thăm hòn đảo vào thời điểm này, du khách đừng bỏ qua hoạt động ngắm trăng và thưởng thức những món nướng hấp dẫn.
Vào mùa thu, thời tiết ở Đài Loan khá mát mẻ và dễ chịu, thích hợp để thưởng thức món lẩu vịt gừng, một trong những món lẩu nổi tiếng ở đây. Nguồn gốc của vịt gừng bắt nguồn từ món vịt muối Tuyền Châu trong ẩm thực Phúc Kiến. Khi du nhập sang Đài Loan, món vịt này được biến tấu lại cách chế biến để phù hợp với khẩu vị địa phương. Vịt kho gừng Đài Loan đúng điệu phải nấu từ vịt đỏ đực, tiềm với dầu mè, gừng già, rượu gạo, thuốc bắc, hầm và ninh với than lửa lớn.
Ngoài cơm thịt kho, cơm thịt lợn băm cũng là một trong những món ăn đường phố hấp dẫn ở xứ Đài. Nguyên liệu chính của món cơm này chính là phần thịt lợn băm nhỏ, hầm nhừ với nước tương và đậu nành, dùng cùng cơm trắng.
>> xem thêm: Tour Cao Hùng - Đài Trung - Đài Bắc 5 ngày
Một món ăn phổ biến khác tại Đài Loan mà du khách có thể tìm thấy ở bất cứ đâu là là mì hàu. Điểm đặc biệt của món mì này là phần nước dùng đặc, sệt và ngọt thanh. Thành phần chủ yếu của món ăn là lòng heo và hàu tươi, trong đó lòng heo được om cùng khoảng 10 loại thảo mộc và một số gia vị khác. Sợi mì được làm thủ công, tròn, nhỏ như sợi bún và được nấu đến khi mềm nhũn.
Ngoài mì hàu, du khách cũng có thể thưởng thức mì Danzai. Sợi mì dầu vàng dai và béo được nấu cùng với nước dùng tôm nên có mùi thơm và vị ngọt dịu. Ăn kèm với mì là thịt bằm, tôm luộc, rau mùi và các thành phần khác.
Không chỉ gây ấn tượng bởi tên gọi, bánh mì quan tài còn thu hút thực khách bởi hình dáng độc đáo, giống chiếc quan tài với miếng bánh dày, được khoét rỗng ở giữa và có nắp đậy phía trên. Ban đầu, món bánh này được đặt tên là "shakaliba" nghĩa là trung tâm giải trí. Tuy nhiên bánh có hình dạng khá giống chiếc quan tài nên về sau được đổi tên thành "gua cai ban", nghĩa là bánh mì quan tài. Phần nhân bánh là hỗn hợp khoai tây, cà rốt thái hạt lựu, đậu xanh, gan lợn, thịt, tôm và một số loại rau.
Ngoài bánh quan tài, bánh tiết lợn cũng là một món ăn đường phố khiến nhiều thực khách e dè khi nghe đến tên gọi. Tuy nhiên, theo Taiwan News, các chuyên gia y dược đã nghiên cứu và cho biết, đặc sản làm từ tiết lợn này có lợi cho sức khỏe vì có thể bảo vệ phổi khỏi tác hại của khói bụi. Phần tiết lợn sẽ được trộn với gạo nếp để làm nhân. Sau khi hấp chín sẽ được nhúng qua nước tương đậu nành ngọt đậm, rồi lăn qua bột đậu phộng và cuối cùng rắc thêm chút rau mùi hoặc sốt cay tùy khẩu vị khách.
Không thể không nhắc đến đậu hũ thối khi nói về ẩm thực Đài Loan. Bất kỳ thời điểm nào trong năm, du khách đều có thể thưởng thức món ăn này. Đậu hũ thối làm từ một loại đậu được ủ lên men có mùi khá lạ. Chỉ cần đứng từ xa, thực khách đã có thể ngửi thấy mùi đặc trưng của món ăn. Thành phần chính của món ăn này là đậu hũ nguyên chất được làm từ đậu nành, ngâm cùng nước đậu và các loại rau củ mềm, có vị chua và được nêm thêm chút muối.
Một trong những món tráng miệng thanh mát và độc đáo của Đài Loan phải kể đến thạch Aiyu, tên tiếng Việt là thạch bông cỏ. Aiyu nguyên chất không chứa đường, ít calo và giải nhiệt hiệu quả. Ngoài ra, món thạch này còn có thể kết hợp uống cùng trà sữa, nước trái cây... hoặc ăn trực tiếp với hỗn hợp mật ong, nước cốt chanh và đá bào.
>> xem thêm: Ẩm thực thế giới