Hoppin' John, Nam Mỹ
Một truyền thống ẩm thực quan trọng khi năm mới đến ở miền Nam nước Mỹ là Hoppin' John - món ăn gồm đậu Hà Lan hoặc đậu mắt đen (tượng trưng cho đồng xu) ăn kèm thịt lợn và cơm, thường được phục vụ với cải thìa hoặc các loại rau xanh nấu chín khác (vì chúng có màu tiền) và bánh ngô (màu vàng). Món ăn được cho là mang lại may mắn trong năm mới. Công thức nấu món Hoppin' John xuất hiện sớm nhất vào năm 1847 trong cuốn sách The Carolina Housewoman của Sarah Rutledge và đã được sử dụng qua nhiều thế kỷ.
12 quả nho, Tây Ban Nha
Theo truyền thống, người dân Tây Ban Nha xem chương trình phát sóng từ Puerta del Sol ở Madrid, nơi người dân tập trung trước tháp đồng hồ của quảng trường để đón năm mới. Những người ở ngoài quảng trường và những người đang xem ở nhà tham gia vào một truyền thống hàng năm. Vào lúc nửa đêm, họ ăn một quả nho cho mỗi tiếng chuông đồng hồ điểm. Phong tục này bắt đầu vào đầu thế kỷ 20 và được cho là do những người sản xuất nho ở miền Nam đất nước nghĩ ra để mang đến may mắn một vụ mùa bội thu. Kể từ đó, truyền thống đã lan sang nhiều quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha.
Tamales, Mexico
Món ăn từ bột ngô nhồi thịt, phô mai và các gia vị khác được gói trong lá chuối hoặc vỏ ngô, xuất hiện vào hầu hết dịp đặc biệt ở Mexico. Ở nhiều gia đình, các nhóm phụ nữ tập hợp lại với nhau để làm hàng trăm gói bánh nhỏ để mang tặng cho bạn bè, gia đình và hàng xóm. Vào những ngày đầu năm mới, nó thường được phục vụ với menudo, món súp lòng bò và hominy nổi tiếng dành cho những người say rượu. Những người sống ở các thành phố có đông dân cư người Mexico sẽ không gặp nhiều khó khăn khi tìm các nhà hàng bán tamales để đi ăn trong ngày và đêm giao thừa. Ở thành phố Mexico, món tamales hấp được bán hàng rong trên khắp các góc phố cả ngày lẫn đêm.
Oliebollen, Hà Lan
"Quả bóng chiên dầu" hay oliebollen, được bán bằng xe đẩy trên đường phố và là món ăn truyền thống vào đêm giao thừa và tại các hội chợ ở Hà Lan. Đây là những chiếc bánh bao giống như bánh rán, được làm bằng cách thả một muỗng bột phủ nho hoặc nho khô vào nồi chiên ngập dầu, sau đó rắc đường bột lên trên.
Marzipanschwein hoặc Glücksschwein, Áo và Đức
Hai quốc gia này gọi đêm giao thừa là Sylvesterabend, hay đêm Giao thừa của Thánh Sylvester. Những người Áo sẽ uống rượu vang đỏ với quế và gia vị, ăn lợn sữa cho bữa tối và trang trí bàn ăn với những chú lợn nhỏ làm bằng bánh hạnh nhân, được gọi là marzipanschwein. Lợn may mắn, hay Glücksschwein, được làm bằng nhiều nguyên liệu, cũng là món ăn năm mới truyền thống ở Đức.
Mì Soba, Nhật Bản
Tại Nhật Bản, ăn mì soba kiều mạch, hay toshikoshi soba, vào nửa đêm của đêm Giao thừa để chào tạm biệt năm cũ và chào đón năm mới sắp tới là truyền thống từ thế kỷ 17. Sợi mì dài tượng trưng cho sự trường thọ và thịnh vượng.
Cotechino con lenticchie, Italy
Người Italy ăn mừng đêm Giao thừa với món cotechino con lenticchie truyền thống, là món xúc xích hoặc giăm bông và đậu lăng hầm được cho là mang lại may mắn (đậu lăng tượng trưng cho tiền bạc và may mắn).
Cá trích muối, Ba Lan và Scandinavia
Cá trích có nhiều ở Ba Lan và một số vùng của Scandinavia, và vì chúng có màu bạc nên nhiều người ở các quốc gia này ăn cá trích ngâm chua vào lúc nửa đêm để mang lại một năm thịnh vượng và bội thu. Một số ăn cá trích ngâm sốt kem hoặc ăn với hành tây. Một cách chế biến cá trích muối đặc biệt cho đêm giao thừa của người Ba Lan, được gọi là Sledzie Marynowane, được thực hiện bằng cách ngâm cả con cá trích muối trong nước suốt 24 giờ rồi xếp chúng vào lọ cùng với hành tây, hạt tiêu, đường và giấm trắng. Người Scandinavia thường ăn cá trích trong một bữa tiệc nửa đêm với cá hun khói ngâm, pate và thịt viên.
Kransekage, Đan Mạch và Na Uy
Kransekage nghĩa đen là bánh vòng hoa, là một tháp bánh bao gồm nhiều vòng bánh xếp chồng lên nhau và chúng được làm cho đêm giao thừa và những dịp đặc biệt khác ở Đan Mạch và Na Uy. Nguyên liệu chính là bánh hạnh nhân, thường có một chai rượu vang hoặc Aquavit ở giữa và có thể được trang trí bằng các đồ trang trí như cờ hoặc bánh quy giòn.