Hầu hết phòng kiểu Nhật trong lữ quán đều được lót bằng các tấm tatami với kích thước mỗi tấm 1,9 m x 0,9 m. Mỗi tấm có 3 phần gồm lõi, bao và mép.
Từ sau thời Edo (1603-1868), tatami mới phổ biến trong mọi tầng lớp và trở thành nét văn hóa đặc trưng của người Nhật.
Có nguồn gốc từ động từ tatamu, nghĩa là "gấp, xếp", tatami được người Nhật hiểu là chiếu trải, chỉ những vật mỏng để trải lót và có thể gấp lại. Tatami ra đời trước thời đại Heian (794-1185), được tăng độ dày và đặt cố định trên sàn với công dụng chính là lót chỗ ngủ cho các nhân vật quyền cao chức trọng.
Sang thời kỳ Muromachi (1336-1573), tatami được dùng để lót toàn bộ mặt sàn, nơi diễn ra các nghi thức trang trọng như trà đạo và hình thành quy tắc ngồi chính tọa. Thời kỳ này, tầng lớp lao động không được sử dụng các loại chiếu này. Họ phải ngủ trên các tấm chiếu rẻ tiền hay trên một lớp cỏ hoặc rơm khô.
Tatami được làm từ sợi cỏ bấc đèn (tiếng Nhật là Igusa). Loại cỏ này có cấu trúc như tấm bọt biển nên khi đi chân trần trên chiếu bạn sẽ cảm nhận được sự đàn hồi, đảm bảo con trẻ chơi đùa không bị thương tích nếu chẳng may trượt ngã, va đập.
Khi đến các căn nhà truyền thống của Nhật, bạn thường sẽ được dặn, chỗ có bức thư pháp là chỗ quan trọng nhất trong phòng. Chủ nhà hay ngồi góc này để quan sát căn nhà và tiếp khách. Du khách không nên cho con nhỏ đùa giỡn hoặc giẫm chân vào phạm vi này vì đó là điều tối kỵ trong văn hóa Nhật.
Phòng thiết kế thấp kiểu Nhật truyền thống trải tatami sẽ mang lại cho du khách tâm trạng an lành, không bị chi phối bởi nhiệt độ và môi trường xung quanh nhờ vào tính chất và cấu tạo đặc biệt của sợi cỏ bấc đèn.
Các tấm tatami có độ dày trung bình 5,5 cm, với phần lõi, bao và mép.
Thời xưa, lõi chiếu được bện bằng rơm khô dày 5 cm, hiện nay được làm bằng ván ép hay nhựa. Bao chiếu được sản xuất bằng cói hay cỏ bấc đèn và được sử dụng cả hai mặt, nên sau 3-5 năm người ta sẽ lật mặt dưới lên trên để được một mặt chiếu mới. Khi cả hai mặt đều đã cũ sờn, bẩn hay trầy xước thì tấm chiếu sẽ được thay mặt nhưng vẫn giữ phần lõi. Mép chiếu dùng để nối lõi và các tấm chiếu với nhau.
Mép chiếu thường được thêu viền hoa văn hoặc dệt gia huy của vị tướng quân hay lãnh chúa. Do đó, vào ngày xưa khi được mời vào căn phòng có lót chiếu và mép chiếu có dệt gia huy, khách không nên giẫm lên mép chiếu nếu không muốn làm phật lòng gia chủ.
Được làm từ vật liệu tự nhiên nhưng tatami rất khó bén lửa. Mép chiếu chứa một lượng hơi ẩm nhất định nên lửa không thể lan rộng tức thì.
Tatami còn có công dụng tính diện tích căn phòng. Ở một vài nơi, người chủ sẽ không trả lời bạn về diện tích theo số mét vuông mà sẽ trở lời theo căn phòng rộng mấy chiếu. Tùy theo số lượng tatami được lót mà ta sẽ ước lượng được diện tích căn phòng. Ngoài ra, gia chủ có thể thay đổi công năng từ phòng ăn sang phòng ngủ hay phòng khách chỉ trong nháy mắt. Khi thức dậy, người Nhật chỉ cần xếp gọn và cho các tấm chiếu vào tủ, căn phòng bỗng trở nên rộng rãi.
Du khách lưu ý chỉ được đi chân trần hay có tất vào phòng, không nên kéo cả hành lý có bánh xe vì sẽ làm bẩn và rách tatami. Nếu có nhu cầu đi lại trong lữ quán thì nên dùng dép được nhân viên đặt trước phòng, nam giới sử dụng dép có quai màu xanh sẫm, còn quai dép màu hồng hay đỏ dành cho nữ giới.