Bánh ướt (Nha Trang) là loại bánh mỏng như tờ giấy, được làm bằng bột gạo và bột năng hoặc tinh bột khoai tây. Theo truyền thống, chúng được hấp trên nồi hấp chuyên dụng và thường được phục vụ ở dạng cuộn. Người ăn thưởng thức bánh ướt cùng với nước mắm, chả lụa, thịt và hành phi. Đây là một món ăn đường phố phổ biến ở Nha Trang.
Bánh khoái (Huế) là một loại bánh truyền thống của Việt Nam có nguồn gốc ở Huế. Bột bánh thường được kết hợp bởi bột gạo, nước, trứng, đường và muối. Hỗn hợp bột được chiên trong chảo và cho nấm thái lát, thịt lợn, tôm, giá đỗ, cà rốt, giò sống và hành lá lên trên. Sau đó, bánh được chiên giòn và có màu vàng nâu. Bánh khoái được ăn với nước chấm đặc biệt có chứa gan lợn, thịt nạc xay, mè rang, đậu phộng. Bánh khoái nhiều dầu mỡ nên thường được ăn khi thời tiết se lạnh.
Khanom khrok (Thái Lan) là một món ăn đường phố ở Thái Lan, có hương vị cân bằng giữa ngọt và mặn. Bánh được làm bằng bột nhào kết hợp giữa bột gạo và nước cốt dừa. Món tráng miệng này được nướng trong chảo sắt lớn có những vết lõm tròn, nhỏ. Bánh có lớp đáy là bột được nướng giòn và lớp nhân sữa dừa ngọt nhẹ, béo ngậy. Ngoài ra, phần nhân cũng có thể bao gồm hành lá băm, khoai môn, bắp hoặc bí ngô.
Apam balik (Malaysia): Món bánh này có nhiều tên khác nhau trên khắp Malaysia, Indonesia, Brunei và Singapore. Apam balik được chế biến ở dạng mỏng giòn hoặc dày mềm. Các loại nhân truyền thống thường bao gồm đậu phộng nghiền, đường và bơ. Ngoài ra, các biến tấu hiện đại có nhân từ bắp, chocolate chip, nho khô, phô mai bào hoặc sữa đặc. Apam balik được cho là xuất hiện ở Penang bởi những người Trung Quốc di cư từ tỉnh Phúc Kiến.
Roti sai mai (Thái Lan) là một món ăn nhẹ ngọt ngào của Thái Lan bao gồm bánh crepe hương lá dứa (roti) cuộn bên trong là kẹo bông (kẹp đường kéo sợi). Bánh áp chảo tương tự bánh crepe phwong taay và có màu xanh đặc trưng do thêm lá dứa. Món ăn được cho là có nguồn gốc từ Ayutthaya, chủ yếu trong cộng đồng người Hồi giáo. Roti sai mai thường được bán ở các quầy hàng trên đường phố.
Dadar gulung (Indonesia) là một món tráng miệng truyền thống của Indonesia bao gồm một chiếc bánh crepe làm từ bột gạo mỏng với nhân dừa nạo. Theo truyền thống, bột bánh crepe được ngâm với lá dứa để tăng thêm hương vị và tạo màu xanh bắt mắt. Ngoài Indonesia, món tráng miệng hấp dẫn này có thể được tìm thấy dưới nhiều tên khác nhau ở Malaysia, Singapore và Sri Lanka.
Bánh khọt (Bà Rịa - Vũng Tàu) là một loại bánh mặn của Việt Nam được làm bằng bột gạo mỏng và nấu trên khuôn bánh chuyên dụng bằng đất nung. Bột được đổ vào khuôn và phủ lên trên nhiều nguyên liệu mặn khác nhau. Những chiếc bánh phồng nhỏ này thường được ăn kèm với các loại rau thơm và và chấm với nước mắm pha chua ngọt. Mặc dù thường bị nhầm lẫn với bánh căn, bánh khọt không mềm như bánh căn vì được chiên giòn và có thêm nghệ nên có màu vàng đẹp mắt.
Bánh xèo là một món ăn nổi tiếng của Việt Nam, kết hợp lớp bột bánh tráng mỏng giòn với nhân mặn. Vỏ bánh làm từ bột gạo kết hợp với nước, bột nghệ và nước cốt dừa. Các thành phần nhân bánh phổ biến là hành lá, giá đỗ, tôm và thịt lợn hoặc thịt bò, được xào trước khi cho lên vỏ bánh. Bánh xèo được áp chảo ở nhiệt độ thấp và gấp làm đôi.
Serabi (Indonesia): Những chiếc bánh crepe cỡ nhỏ, truyền thống của Indonesia này thường được chế biến bằng bột gạo và nước cốt dừa hoặc dừa nạo. Món bánh có các phiên bản ngọt và mặn, với nhiều topping khác nhau như đường, chuối, đậu phộng nghiền, mít, chocolate, oncom, thịt, xúc xích hoặc kem. Bánh crepe Serabi được tìm thấy trên khắp Java và gắn liền với các thành phố Bandung, Solo. Chúng thường đi kèm với syrup dâu tây, sầu riêng hoặc dừa, và chủ yếu được bán như một món ăn đường phố nhanh chóng, tiện lợi.