Ngôi chùa vàng ở Nhật tăng giá vé lần đầu sau 30 năm

Khách du lịch đến chùa vàng Kinkakuji ở Nhật Bản sẽ phải trả mức phí cao hơn khi đến tham quan.

Ngôi chùa vàng ở Nhật tăng giá vé lần đầu sau 30 năm 1

Chùa vàng Kinkakuji ở Kyoto, Nhật Bản.

Lần đầu tiên sau 30 năm, ngôi chùa vàng Kinkakuji nổi tiếng ở cố đô Kyoto của Nhật Bản tăng giá vé.

Tăng giá vé

Vào tháng 4, di sản thế giới của UNESCO này có kế hoạch tăng phí vào cửa 100-500 yen, tương đương khoảng 3,7 USD. Tuy nhiên vé vào cửa cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở vẫn giữ ở mức 300 yen. Trẻ em ở bậc mẫu giáo sẽ tiếp tục được miễn phí.

Lý do cho sự tăng giá trên là số lượng du khách giảm do đại dịch Covid-19 cùng với chi phí bảo trì và an ninh ngày càng tăng. Một nhân viên trong chùa mong khách tham quan thông cảm. Đây là một quyết định khó khăn nhưng việc tăng chi phí sẽ giúp tăng trưởng nguồn doanh thu, nhờ đó ngôi chùa được bảo tồn tốt hơn.

Các giai đoạn lịch sử

Kinkakuji là một ngôi chùa theo phong cách Zen ở phía bắc Kyoto. Đặc biệt 2 tầng trên cùng được bao phủ hoàn toàn bằng vàng lá. Ngôi chùa từng là biệt thự nghỉ hưu của tướng quân Ashikaga Yoshimitsu và theo di chúc của ông, nơi này đã trở thành một ngôi chùa Zen của giáo phái Rinzai sau khi ông qua đời vào năm 1408.

Ngôi chùa vàng ở Nhật tăng giá vé lần đầu sau 30 năm 2

Ngôi chùa có các tầng theo lối kiến trúc khác nhau.

Kinkakuji là một công trình kiến trúc ấn tượng được xây dựng nhìn ra một cái ao lớn và là tòa nhà duy nhất còn sót lại của khu nghỉ dưỡng cũ của tướng quân Yoshimitsu.

Nơi đây từng bị thiêu rụi nhiều lần bao gồm cả 2 lần trong chiến tranh Onin, một cuộc nội chiến đã phá hủy phần lớn Kyoto và một lần nữa vào năm 1950 khi chùa bị phóng hỏa bởi một nhà sư cuồng tín. Cấu trúc hiện tại được thấy ngày nay được xây dựng lại vào năm 1955.

Điểm tham quan

Chùa vàng Kinkakuji được xây dựng để tôn vinh và gợi lại nền văn hóa Kitayama xa hoa đã phát triển trong giới quý tộc giàu có ở Kyoto trong thời của tướng quân Yoshimitsu. Mỗi tầng đại diện cho một phong cách kiến trúc khác nhau.

Tầng đầu tiên được xây dựng theo phong cách Shinden được sử dụng cho các tòa nhà cung điện trong thời kỳ Heian. Kiến trúc làm nổi bật những cột gỗ tự nhiên và những bức tường thạch cao trắng tương phản nhưng vẫn hòa hợp với các lớp mạ vàng nhô ra trong tầng.

Các bức tượng của Đức Phật Shaka và Yoshimitsu được cất giữ cẩn thận bên trong tầng một. Mặc dù không thể vào bên trong, du khách có thể nhìn thấy các bức tượng từ bên kia ao nếu nhìn kỹ.

Tầng thứ 2 được xây dựng theo phong cách Bukke, sử dụng trong các dinh thự của samurai và có mặt ngoài được bao phủ hoàn toàn bằng vàng lá. Bên trong là Bồ tát Kannon đang ngồi và xung quanh là các bức tượng của bộ tứ Thiên Vương. Đáng buồn là các bức tượng không được trưng bày cho khách du lịch đến xem.

Tầng thứ 3 và là tầng trên cùng được xây dựng theo phong cách Zen Hall Trung Quốc. Chúng được mạ vàng từ trong ra ngoài, trên đỉnh còn có hình phượng hoàng bằng vàng.

Ngôi chùa vàng ở Nhật tăng giá vé lần đầu sau 30 năm 3

Hồ không bao giờ cạn Anmintaku.

Sau khi ngắm nhìn chùa vàng Kinkakuji từ bên kia ao, du khách nên đi ngang qua khu nhà cũ của vị thầy tế nhưng không mở cửa cho khách du lịch. Sau đó, du khách sẽ được tham quan các khu vườn nguyên bản có từ thời của tướng quân Yoshimitsu.

Các khu vườn còn có một số điểm tham quan khác là hồ Anmintaku - được cho là hồ không bao giờ khô cạn - và những bức tượng mà mọi người thường ném đồng xu để cầu may.

Ngôi chùa vàng ở Nhật tăng giá vé lần đầu sau 30 năm 4

Bên ngoài địa điểm tham quan có khu vườn trà nhỏ cho du khách.

Đi qua khu vườn, du khách sẽ đến phòng trà Sekkatei, được xây dựng trong thời Edo. Bên ngoài lối ra là các cửa hàng lưu niệm và một khu vườn trà nhỏ, nơi bạn có thể thưởng thức trà matcha và đồ ngọt.

Có một nơi gọi là Fudo Hall, một ngôi chùa nhỏ có tượng Bất Động Minh Vương. Ông là một trong 5 vị vua thông thái và là người bảo vệ Phật giáo. Bức tượng được tạc bởi Kobo Daishi, một trong những nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử tôn giáo Nhật Bản.

Bạn đang xem: Ngôi chùa vàng ở Nhật tăng giá vé lần đầu sau 30 năm
Bài trước Bài sau
Đăng nhập
Đăng ký
Hotline: 0967 966 777
x