Khám phá Vạn Lý Trường Thành kỳ quan vĩ đại của nhân loại

Vạn Lý Trường Thành là một tuyệt tác cổ đại của Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung. Đây luôn là địa điểm du lịch Trung Quốc nổi tiếng thu hút được sự quan tâm của đông đảo du khách

Mục lục bài viết

Các công trình kiến trúc quy mô lớn nổi bật thời Trung Quốc cổ đại thường liên quan đến phòng thủ quân sự, kênh đào thuỷ lợi, lăng tẩm, cầu đường, các kiến trúc và nghệ thuật tôn giáo, v.v. Trong số đó, Vạn Lý Trường Thành là một công trình vô cùng nổi tiếng, được coi là một trong bảy kỳ quan thế giới, đồng thời cũng là ngôi sao sáng chói được ghi vào Di sản văn hóa thế giới.

Tường thành dài vạn lý quả là danh bất hư truyền

Trong bài thơ “Tử Lưu Mã” của Tô Tử Khanh thời Nam Bắc Triều có câu thơ miêu tả sự hùng vĩ và vai trò quan trọng trong việc bảo vệ biên cương của Vạn Lý Trường Thành: “Hậu kỵ chỉ Lâu Lan, trường thành huýnh lộ nan”. Tạm dịch nghĩa: Cưỡi ngựa là nói đến thành Lâu Lan; Trường Thành xa xôi khó mà đến được. (Trong đó, Lâu Lan là một đoạn thành thuộc Vạn Lý Trường Thành).

Bài vịnh “Tòng Quân Hành” của Lục Cơ thời Ngụy Tấn viết rằng: “Khổ tai viễn chinh nhân, phiêu phiêu cùng tứ hà. Nam trắc ngũ lĩnh điên, bắc thú trường thành a.” Tạm dịch nghĩa: Đoàn người viễn chinh khổ lắm ai ơi! Đói khổ miên man chốn xa xôi. Đỉnh núi Nam Trắc Ngũ Lĩnh. Trường Thành Bắc Thú ai ơi!” 

Những người viễn chinh Vạn Lý Trường Thành ở Bắc Thú thật đáng ngưỡng mộ. Ngày nay, khi du khách ghé thăm Trường Thành, hồi tưởng về quá khứ và suy ngẫm về các di tích lịch sử xa xưa, đều không khỏi cảm thán trước công lao to lớn của người xưa.

Những Trường Thành mà du khách có thể tham quan hiện nay chỉ còn có Sơn Lĩnh Trường Thành, Bát Đạt Lĩnh Trường Thành, Mộ Điền Dục Trường Thành, Cư Dung Quan, Sơn Hải Quan và Gia Dục Quan. Tất cả những địa điểm này đều thuộc di tích Vạn Lý Trường Thành xây dựng vào thời nhà Minh. 

Triều đại nhà Minh đã tổ chức tổng cộng năm lần xây dựng Vạn Lý Trường Thành trên quy mô lớn. Bắt đầu từ Gia Dục Quan ở phía Tây, sau đó đến Hồ Sơn Khẩu ở Đan Đông trên bờ sông Áp Lục ở Liêu Đông. Theo số liệu khảo sát năm 2009, tổng chiều dài của Vạn Lý Trường Thành thời nhà Minh là 8,851.8km.

Khám phá Vạn Lý Trường Thành kỳ quan vĩ đại của nhân loại ảnh 1

Quang cảnh Mộ Điền Dục Trường Thành.

Ngay từ thời Xuân Thu Chiến Quốc trước Công nguyên, các nước Tần, Triệu, Yến, Ngụy và Tề đã xây dựng Vạn Lý Trường Thành để chống lại sự xâm lược của quân địch. Sau khi Tần Thuỷ Hoàng điều động 30 vạn quân tấn công Hung Nô, Vạn Lý Trường Thành được xây dựng như một hàng rào quân sự ở phía Bắc Trung Quốc. Công trình cũng nối liền với Vạn Lý Trường Thành cũ, trải dài hàng nghìn dặm, phía Tây từ Lâm Thao, phía Đông kéo dài tới Liêu Đông. Và đây cũng là nguồn gốc của tên gọi “Vạn Lý Trường Thành”. Tổng chiều dài của Vạn Lý Trường Thành lên tới 21,196.18km (theo số liệu của Cục Di sản Văn hóa Trung Quốc năm 2012), trải dài 15 tỉnh ở Trung Quốc.

Các công trình của Vạn Lý Trường Thành chủ yếu bao gồm tường thành, quan ải, thành đài, và phong hỏa đài (cũng gọi là phong toại), tổng cộng hơn 40,000 di sản dọc theo dãy tường thành vĩ đại. Trong quá khứ, hầu hết các Trường Thành đều được xây dựng trên núi dốc, lợi dụng địa thế và hệ thống tường thành cao lớn và kiên cố để ngăn chặn sự xâm lược của quân địch. Nhiều di tích của Vạn Lý Trường Thành vì nằm cheo leo trên sườn núi nên không thể tiếp cận được. Điều này cũng nói lên những gian lao vất vả, thậm chí đánh đổi bằng máu và nước mắt của người dân Trung Hoa trong quá trình bảo vệ đất nước.

“Thiên hạ thành quan” đều có trong Vạn Lý Trường Thành

Những quan ải trong Vạn Lý Trường Thành đều nằm ở vị trí hiểm yếu hoặc điểm giao thông xung yếu, tạo thế hùng vĩ, khí thế hào hùng ngăn chặn quân địch. Dưới đây là một số thành trì vang danh thiên hạ của Vạn Lý Trường Thành, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những công trình tuyệt tác này.

>> xem thêm: Khám Phá Trung Hoa Huyền Bí

Bát Đạt Lĩnh Trường Thành, dựa thế núi tạo thế hiểm ngăn chặn địch

Bát Đạt Lĩnh Trường Thành nằm ở lối vào phía Bắc của đường cổ Sơn Quan Câu, thủ phủ quân sự của Diên Khánh, Bắc Kinh, là “Thiên hạ cửu tắc”, tức là một trong chín cửa ải nổi tiếng trong thiên hạ. Nó được xây dựng trên một sườn núi, theo nguyên tắc xây dựng của Vạn Lý Trường Thành, nó dựa theo thế núi, tạo thành trận địa nguy hiểm ngăn chặn quân địch. Có thể nói đây là tinh hoa tiêu biểu nhất của Vạn Lý Trường Thành thời nhà Minh.

Cửa ải Bát Đạt Lĩnh thuộc sự chỉ huy của Cư Dung Quan, được xây dựng bởi đại tướng quân Từ Đạt đầu thời nhà Minh. Vì nằm giữa hai ngọn núi nên Bát Đạt Lĩnh tạo thế dễ phòng thủ và khó tấn công, được ca tụng là “Nhất phu đương quan, vạn phu mạc địch”. Ý tứ là một người ở cửa, vạn người không địch nổi. 

Từ thời Chiến Quốc, cửa ải Cư Dung do Yến Quốc kiểm soát đã được “Lữ Thị Xuân Thu” liệt vào danh sách một trong chín cửa ải trọng yếu trong thiên hạ. Đến thời nhà Hán, nó đã trở thành thành trì quy mô lớn. Sau hơn 80 năm xây dựng trước và sau thời nhà Minh, Vạn Lý Trường Thành đã trở thành một hệ thống phòng thủ chặt chẽ với “thành quan tương liên”, “thành luỹ tương vọng” và “trọng thành hộ vệ”, “phong hỏa báo cảnh”. Tức là, các cửa ải liên kết chặt chẽ với nhau, các gác vọng đều nhìn thấy nhau, các trấn điểm quan trọng đều được bảo vệ kỹ lưỡng, nếu xảy ra chuyện sẽ đốt lửa hiệu thông báo.

Khám phá Vạn Lý Trường Thành kỳ quan vĩ đại của nhân loại ảnh 2

Bát Đạt Lĩnh Trường Thành.

Mộ Điền Dục Trường Thành, đại bàng bay ngược trên dốc nghiêng gần 90 độ

Bình thường, độ dốc của Vạn Lý Trường Thành khoảng 50 độ, có công trình kiệt tác nghiêng gần 90 độ. Khi ấy, các bức tường đều được xây trên vách đá lộ thiên, bậc thang chỉ rộng vài thước, vô cùng dốc và hẹp, người bình thường không dám đặt chân leo lên. Đoạn trường thành này nằm ở rìa “Ngưu Cơ Giác Biên” của Mộ Điện Dục Trường Thành và được gọi là “Tiễn Khấu” và “Đại bàng bay ngược”.

Sơn Hải Quan hùng vĩ, một kiệt tác thành thị cổ đại trên Vạn Lý Trường Thành

Sơn Hải Quan Trường Thành bao gồm các đoạn như Quan Thành, Lão Long Đầu, Nam Dực, Bắc Dực, Giác Sơn, Tam Đạo Quan, và Cửu Môn Khẩu, v.v. Nó cũng gồm bảy luỹ lớn là Quan Thành, Đông La Thành, Tây La Thành, Nam Dực Thành, Bắc Dực Thành, Uy Viễn Thành và Ninh Hải Thành.

Sơn Hải Quan nằm ở điểm mà dãy các ngọn đồi bao gồm Vạn Lý Trường Thành dốc xuống biển, được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất quan”. Cửa ải này được xây dựng vào đầu thời nhà Minh và có tổng chiều dài 26km. Bất kể từ góc độ kết cấu, bố cục hay quy mô, Sơn Hải Quan xứng đáng là một kiệt tác của kiến trúc thành thị thời nhà Minh, cũng là tinh hoa của Vạn Lý Trường Thành. 

Kiến trúc của Sơn Hải Quan rất kiên cố, đóng vai trò phòng thủ quan trọng trong việc bảo vệ kinh đô Bắc Kinh thời nhà Minh. Sơn Hải Quan là sản phẩm của “Vệ sở binh chế” vào thời nhà Minh, sau đó “Đồn điền chế” đã thúc đẩy sự phát triển của việc giao thương nhộn nhịp ở quan thành Sơn Hải Quan.

Lão Long Đầu Trường Thành, đầu rồng lao ra biển

Lão Long Đầu Trường Thanh nằm ở đầu phía Đông, được xây dựng vào năm 1381. Khi đó, Long Đầu có 23 mét lấn ra biển, cảnh quan thiên nhiên hài hòa tuyệt đẹp, trên tường thành còn có Trừng Hải Lâu (đã bị phá huỷ sau này). Ngoài đó ra còn có Nhập Hải Thạch Thành, Nam Hải Khẩu Quan, Địch Đài số 1 và số 2, Ninh Hải Lâu, Ninh Hải Thành và Tân Hải Thành Tường.

Cửu Môn Khẩu – Trường thành duy nhất bắc qua sông

Cửu Môn Khẩu Trường Thành là quan ải đầu tiên ở Kinh Đông, nằm phía Đông của Sơn Hải Quan, có tổng chiều dài 1,704 mét. Cuối phía nam của Cửa Môn Khẩu là những vách đá trên đỉnh núi hiểm trở, kéo dài về phía Bắc dọc theo sườn núi đến bờ Nam của sông Cửu Giang. Nó nằm ở Hồ Lô Đảo, tỉnh Liêu Ninh. Tại đây, mùa đông nước sông đóng băng rất dày nên có thể đi lại, vì vậy Vạn Lý Trường Thành xây dựng một cây cầu khổng lồ bắc qua sông, gọi là “Thuỷ Thượng Trường Thành”, là đoạn tường thành duy nhất “nổi trên mặt nước” trên Vạn Lý Trường Thành. Nguồn gốc của cái tên “Cửu Môn Khẩu” là vì có chín cổng thoát nước dưới chân cầu.

Kim Sơn Lĩnh Trường Thành – Ngọn núi vàng độc đáo

Kim Sơn Lĩnh Trường Thành cách Bắc Kinh 130 km, nằm ở huyện Loan Bình, Thừa Đức, tiếp giáp với Mật Vân, Bắc Kinh. Đoạn tường thành nằm trên sườn núi Yến Sơn, ngay chỗ giao giới của Bắc Kinh, Thiên Tân, Liêu Ninh và Mông Cổ. Cửa ải này do Thích Kế Quang, một danh tướng yêu nước thời nhà Minh khởi công xây dựng. Kim Sơn Lĩnh Trường Thành dài 10.5km, được mệnh danh là “Ngọn núi vàng độc đáo của Vạn Lý Trường Thành”. Nó dựa vào thế núi hung hiểm, lại xây thêm 5 quan ải, 67 gác vọng canh địch (gọi là địch lâu), 3 phong hỏa đài, cuối phía Đông còn là những vọng gác cao chót vót, gọi là Vọng Kinh Lâu. Chúng có tầm nhìn rộng lớn có thể nhìn thẳng về Kinh đô, thể hiện ý nghĩa về lòng trung thành của các binh tướng canh gác nơi quan ải đối với triều đình.

Khám phá Vạn Lý Trường Thành kỳ quan vĩ đại của nhân loại ảnh 3

Vạn Lý Trường Thành và vọng gác trên đỉnh.

Các địch lâu mật độ dày đặc chạy dọc tường thành, tạo thành một tuyến phòng thủ với cảnh giới nghiêm mật. Địch lâu là thành lâu phòng thủ chống địch, dùng để theo dõi phía dưới, chỉ huy, truyền lệnh, đồng thời có thể cất giữ các vật tư khí giới, và là nơi tránh mưa tránh gió cho các đội đi tuần bảo vệ thành trì. Hầu hết các địch lâu trên Vạn Lý Trường Thành đều có hình chữ nhật hoặc hình vuông, cũng có một số ít địch lâu hình tròn. Các địch lâu trên Kim Sơn Lĩnh Trường Thành có nhiều hình dạng khác nhau và còn mang kiến trúc rất tinh xảo, độc đáo. Những di tích được bảo tồn lại vẫn khiến thế giới ngưỡng mộ cho đến ngày nay. Do đó, mỹ danh “Kim Sơn độc tú” quả thật xứng đáng!

Gia Dục Quan – Thiên hạ đệ nhất hùng quan

Gia Dục Quan Trường Thành là một điểm giao thông quan trọng trên Con đường Tơ lụa, được xây dựng vào năm Hồng Vũ thứ 5 (năm 1392) và là điểm xuất phát tại cực Tây của Vạn Lý Trường Thành thời nhà Minh. Gia Dục Quan là hệ thống phòng thủ vững chắc gồm 5 dặm một toại, 10 dặm một đồn, 30 dặm một luỹ kết hợp với các quan ải.

Quan thành của Gia Dục Quan là một quan ải phòng thủ vững chắc với ba tuyến phòng thủ: nội thành, ngoại thành và thành hào. Quan thành Gia Dục Quan được bảo tồn tốt nhất là đại diện cho các thành lũy quân sự của Vạn Lý Trường Thành triều đại nhà Minh, có quy mô sánh cùng Hổ Sơn Trường Thành ở đoạn cuối phía Đông.

Hổ Sơn Trường Thành nằm trên núi Gia Dục, nơi có địa thế cao nhất của Gia Dục Quan, trong nội thành có 14 công trình gồm Kiếm câu, Địch lâu, Giác lâu, Các lâu, Áp môn lâu, v.v. Ở phía Bắc là núi Hắc Sơn ngút ngàn, phía Nam là dãy núi Kỳ Liên Sơn kỳ vĩ, hai bên tường thành ngang qua sa mạc Gobi, giống như con rồng khổng lồ đang bay giữa sa mạc. Vị đại thần nhà Thanh là Lâm Tắc Từ trong hành trình đến Tân Cương chứng kiến khung cảnh kỳ vĩ của Gia Dục Quan đã không nén nổi xúc động, kìm dây cương than rằng: “Nghiêm quan bách xích giới thiên tây, vạn lý chinh nhân trú mã đề” (Trích trong “Xuất Gia Dục Quan Cảm Phú Tứ Thủ”, kỳ 1). Ý tứ là: Vạn Lý Trường Thành cao hàng trăm thước chắn ngang bầu trời phía Tây, dài vạn dặm khiến chiến mã còn mỏi mệt.

Khám phá Vạn Lý Trường Thành kỳ quan vĩ đại của nhân loại ảnh 4

Địch lâu trên Vạn Lý Trường Thành.

Kỹ thuật xây dựng tinh tế cao siêu

Vạn Lý Trường Thành ngoài mỹ danh là bức tường thành dài nhất thế giới, nó còn nổi tiếng về sự kiên cố vững chãi khiến thế giới phải trầm trồ thán phục. Những bức tường rộng lớn và chắc chắn, có trọng tâm ổn định. Đồng thời, các khoa học gia phát hiện rằng công trình Vạn Lý Trường Thành đã sử dụng một kiệt tác kỹ thuật cổ đại để gắn các viên gạch và đá với nhau, tạo nên một bức tường thành kiên cố dị thường, có độ bền và khả năng chống chịu va đập rất cao.

Tác dụng thần kỳ của “vữa gạo nếp” tự nhiên

Trong gạo nếp tự nhiên chứa một chất kết dính siêu bền gọi là amylopectin, được mệnh danh là “chất kết dính trong những chất kết dính”, có thể khiến vôi vữa làm từ gạo nếp thành một chất siêu kết dính trong tự nhiên. Sau khi những người thợ đun sôi gạo nếp, họ đổ nước vo gạo nếp vào đất Tam Hợp rồi trộn đều với nhau, tạo thành “vữa gạo nếp” để xây gạch, đá. Hiệu quả của kỹ thuật tuyệt vời từ thời Trung Quốc cổ đại này vẫn vượt xa các chất kết dính nhân tạo hiện đại. Nó không chỉ có độ kết dính tuyệt vời mà còn có khả năng chống thấm cao, giúp công trình có thể vững chãi hàng trăm năm đến nghìn năm.

Sau triều đại nhà Tống, Nguyên, việc sử dụng vữa gạo nếp để xây tường đã trở nên rất phổ biến. Ngoài Vạn Lý Trường Thành, những công trình nổi tiếng ở Bắc kinh như Cố Cung, Thừa Đức Tị Thử Sơn Trang, Thanh Đông Tây Lăng, Tiễn Đường Giang Hải Đường và các công trình khác của nhà Minh và nhà Thanh đều sử dụng vữa gạo nếp để kết dính gạch, đá, và có tác dụng chống va đập rất tốt. Ngoài ra, những bức tường thành cổ ở Nam Kinh, Tây An, và Kinh Châu được xây dựng từ thời nhà Minh, vẫn sừng sững sau hơn 600 năm lịch sử.

Công trình hoành tráng mà tỉ mỉ

Thiết kế kiến trúc của Vạn Lý Trường Thành còn rất nhiều điểm đáng khen ngợi. Lấy Bát Đạt Lĩnh Trường Thành làm ví dụ, chiều cao trung bình của bức tường thành là 7.8 mét, cao nhất là 14 mét, chiều rộng trên đỉnh là 5.8 mét, có thể vừa cho “5 con ngựa, 10 người đi song song”. Bức tường kiên cố được lấp đầy bằng đất đá và được xây bằng phương pháp xây tường đất truyền thống. Tường đất là kỹ thuật xây dựng đã rất thuần thục từ thời nhà Thương, và vẫn luôn được sử dụng trong các thời đại trước đó. Vạn Lý Trường Thành vào thời nhà Minh được xây dựng theo phương pháp cấu tạo tường đất. 

Khám phá Vạn Lý Trường Thành kỳ quan vĩ đại của nhân loại ảnh 5

Bát Đạt Lĩnh Trường Thành.

Cả hai mặt của Bát Đạt Lĩnh Trường Thành đều được phủ bằng đá hoa cương chống ăn mòn vô cùng chắc chắn, các thép cây ngang dọc đan chồng lên nhau thành một thể. Trên đỉnh tường lại được lát thêm ba bốn lớp gạch và xây bằng vữa gạo nếp, khiến ba mặt của bức tường đều không bị thấm nước khi gặp mưa gió. Ngoài ra còn có hệ thống thoát nước quan trọng được gọi là “Miệng phun nước” dọc theo mặt trong và phía trên cùng của bức tường thành. Nó là các máng bằng đá dài hơn một mét, thiết bị này có thể xả ngay lượng nước tích tụ trên đỉnh Vạn Lý Trường Thành, và dẫn nước ra bên ngoài một đoạn cách tường bên trong hơn một mét để tránh thấm nước lâu sẽ dẫn đến ảnh hưởng đến móng tường.

Khám phá Vạn Lý Trường Thành kỳ quan vĩ đại của nhân loại ảnh 6

Bên trong Vạn Lý Trường Thành có các máng đá dài hơn một mét, là hệ thống thoát nước quan trọng được gọi là “Miệng phun nước”.

Bức tường thấp có răng làm bằng gạch trên cùng đối diện nhau của Vạn Lý Trường Thành được gọi là đôi tường hay đôi điệp. Phần lõm xuống hình vuông gọi là “xạ động”, tức là lỗ bắn, dùng để che chắn cho các binh sĩ khi bị quân địch tấn công, mái tường thấp và bằng phẳng cũng có tác dụng bảo vệ sự an toàn của đội quân. Cả đôi tường và mái tường đều dùng những viên gạch lớn được chế tạo đặc biệt, những viên gạch hình chóp ở trên cùng đều có hình dạng cao ở bên ngoài và thấp ở bên trong, hoặc cao ở giữa và thấp ở hai bên. Hình dạng này giúp thoát nước thuận tiện và giữ gìn sự lâu bền của Vạn Lý Trường Thành.

Kết luận

Các nghiên cứu khảo cổ sau này đã phát hiện ra rằng, vào thời tân đồ đá, nền văn hóa Long Sơn đã có các di tích kiến trúc Thành hình vuông, chẳng hạn như Khúc Ốc Phương Thành. Điều này cho thấy lịch sử kiến trúc thành trì đã có từ rất lâu đời ở Trung Quốc cổ đại. Công trình Vạn Lý Trường Thành khởi phát từ thời Xuân Thu Chiến Quốc cho đến thời nhà Minh, đều tích hợp các yếu tố văn hóa lịch sử của thành lũy đất nước và sự phát triển của kỹ thuật xây dựng.

Khám phá Vạn Lý Trường Thành kỳ quan vĩ đại của nhân loại ảnh 7

Vạn Lý Trường Thành là một công trình khoa học hoành tráng và tỉ mỉ.

Lịch sử xây dựng lâu đời của Vạn Lý Trường Thành, quá trình xây dựng gian khổ và đặt nhiều tâm huyết, có bề dày về nội hàm văn hóa, tất cả đã tạo nên kiệt tác hoành tráng mà các công trình khác trên thế giới khó có thể sánh được. Mặc dù Vạn Lý Trường Thành là một công trình phòng thủ quân sự, nhưng kiến trúc của nó vẫn giữ được sự hài hòa với thiên nhiên, thể hiện lòng kính cẩn của con người đối với thiên nhiên, cũng như tư duy và hành động bắt nguồn từ đạo lý “Thiên nhân hợp nhất.”

Đáng tiếc là hiện nay chỉ còn rất ít di tích được bảo tồn tốt ở Vạn Lý Trường Thành. Các chuyên gia kiến trúc Trung Quốc cho rằng, so với sự tàn phá của thiên nhiên, sự tàn phá của con người dường như tàn nhẫn và để lại hậu quả đáng sợ hơn.

>> xem thêm: Điểm đến hấp dẫn - Cẩm nang du lịch

Nguồn: www.epochtimesviet.com/van-ly-truong-thanh-duoc-menh-danh-la-ky-quan-the-gioi-qua-thuc-danh-bat-hu-truyen_324593.html

 
Bạn đang xem: Khám phá Vạn Lý Trường Thành kỳ quan vĩ đại của nhân loại
Bài trước Bài sau
Đăng nhập
Đăng ký
Hotline: 0967 966 777
x