Du lịch Con đường tơ lụa Trung Quốc mùa nào đẹp nhất (Kinh nghiệm du lịch Con đường tơ lụa phần 2)

Con đường tơ lụa là một hệ thống các con đường buôn bán nổi tiếng có từ thế kỷ thứ 2 trước công nguyên, nối liền phương Đông với phương Đông hay Châu Á với Châu Âu. Nó bắt đầu từ Trường An (nay là Tây An) ở Trung Quốc, băng qua Trung Á, Afghanistan, Ấn Độ, Iran, Irag, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, xung quanh vùng Địa trung hải và đến tận Châu Âu.

Thời gian du ngoạn Con đường tơ lụa đẹp nhất trong năm 

Du lịch con đường tơ lụa mùa nào đẹp nhất

Mùa thu là thời điểm lý tưởng để du ngoạn con đường tơ lụa

Con đường tơ lụa trải dài trên nhiều tỉnh nên mỗi nơi sẽ có khí hậu khác nhau. Nếu bạn bắt đầu đi từ Tây An tới tận Kashgar thì tháng 4-5 và tháng 10-11 là thời điểm lý tưởng (tuy nhiên các bạn nên tránh đi Trung Quốc vào dịp nghỉ lễ Lao động 1-3/5 và nghỉ lễ Quốc khánh 1-7/10 vì người sẽ đông nghìn nghịt). Thời tiết lúc này không quá lạnh hay quá nóng, ít khách du lịch và đặc biệt vào mùa thấp điểm tháng 11 giá vé vào cửa các địa điểm tham quan đa số sẽ giảm một nửa.

Tháng 6-8 đa số các địa điểm trên con đường tơ lụa đều rất nóng đặc biệt là ở những nơi có sa mạc như Turpan. Nhiệt độ có thể lên tới 45 độ c nên việc di chuyển, tham quan rất vất vả và mất nhiều sức.

Mùa đông từ tháng 12 đến tháng 3 nhiều nơi có tuyết, trời rất lạnh, di chuyển đi lại khó khăn.

Visa du lịch Trung Quốc

Để khám phá con đường tơ lụa ở đất nước Trung Quốc bạn cần phải có visa. Bạn có thể xin visa thông qua các công ty du lịch hoặc tự nộp tại Đại sứ quán/lãnh sự quán ở Hà Nội, Hồ Chí Minh. Hồ sơ xin visa gồm có: hộ chiếu, ảnh thẻ, vé máy bay khứ hồi, chứng minh công việc, chứng minh thu nhập, xác nhận lưu trú ở khách sạn. 

Ngôn ngữ

Rào cản lớn nhất khi đi du lịch Trung Quốc là ngôn ngữ. Người dân Trung Quốc gần như không nói tiếng Anh, tiếng Pháp hay bất cứ thứ tiếng gì khác ngoài tiếng Trung Quốc. Nếu bạn biết tiếng Trung thì việc tự đi du lịch sẽ suôn sẻ nhưng nếu bạn không biết tiếng thì chuyến đi sẽ mất thêm rất nhiều thời gian và công sức. Sẽ có những lúc bạn cảm thấy bất lực vì không hiểu người ta đang nói gì và làm sao để mình diễn đạt cho người đối diện hiểu mình muốn gì. Nếu đi theo tour thì bạn sẽ không phải lo lắng gì vì sẽ có phiên dịch nhưng nếu bạn tự đi theo nhóm thì trong nhóm ít nhất phải có một người nói được tiếng Trung. Nếu bạn đi một mình thì hãy học vài từ tiếng Trung cơ bản và cài sẵn ứng dụng dịch thuật sẵn trong máy điện thoại.

Tiền tệ

Kinh nghiệm du lịch Con đường tơ lụa phần 2 ảnh 10

Đồng tiền Trung Quốc là Nhân dân tệ. Tỉ giá tháng 12/2021: 1 tệ = 3583 đồng

Bạn nên đổi tiền nhân dân tệ sẵn từ Việt Nam. Bạn cũng nên mang theo USD trong chuyến đi vì USD là loại tiền các ngân hàng hay quầy đổi tiền ở mọi nước đều chấp nhận.

Phương tiện di chuyển

Kinh nghiệm du lịch Con đường tơ lụa phần 2 ảnh 9

Hệ thống tàu cao tốc của Trung Quốc cực kỳ hiện đại

Máy bay: Cách nhanh nhất là bạn hãy bay tới các thành phố trên con đường tơ lụa. Bạn có thể bay từ Bắc Kinh, Thượng Hải, Urumqi tới Tây An, Trương Dịch, Đôn Hoàng, Kashgar…Trung Quốc có rất nhiều hãng máy bay nội địa như China Southern, China Eastern, Air China, Sichuan Airlines… để bạn tham khảo giờ bay và giá vé phù hợp với chuyến đi.

Tàu cao tốc: Điều khiến tôi ngạc nhiên và thán phục nhất chính là hệ thống tàu cao tốc của Trung Quốc. Gần như tàu cao tốc đều chạy qua các thành phố chính trên con đường tơ lụa vì vậy bạn hãy tận dụng phương tiện này. Trang web tích hợp những dịch vụ du lịch như đặt vé tàu, xe bus, khách sạn, thuê xe có tên là Ctrip.com, phiên bản tiếng Anh là Trip.com có giao diện thân thiện, rõ ràng và khoa học. Tàu rất hiện đại, sạch sẽ và chạy đúng giờ. Giá vé rẻ hơn vé máy bay một chút nhưng đôi khi có nhiều khung giờ chạy hợp lý và thời gian còn nhanh hơn so với máy bay.

Xe bus: Di chuyển giữa các địa điểm có xe bus công cộng, xe bus đường dài. Bạn có thể kiểm tra giá vé, hãng xe bus, địa điểm xuất phát từ bến nào, thời gian đi bao lâu trên ứng dụng Trip.com

Thuê xe riêng: Nếu bạn đi nhóm đông, bạn nên kết hợp cả máy bay, tàu cao tốc, tàu thường để đến một tỉnh nào đó, sau đó bạn thuê xe ô tô riêng khám phá những địa danh của tỉnh đó. Nếu trong nhóm không có ai biết tiếng Trung bạn nên thuê phiên dịch đi kèm để có thể trao đổi thông tin trên đường đi. Bạn có thể thuê xe luôn trên ứng dụng Trip.com

Lưu trú

Từ Tây An tới Kashgar đều có rất nhiều khách sạn, nhà nghỉ, homestay từ bình dân tới 5 sao.

Bạn có thể xem review, lựa chọn phòng phù hợp và đặt phòng trực tiếp qua các trang web như Trip.com, Traveloka, Booking.com, Agoda. Trang web Trip.com có nhiều khách sạn hơn các trang khác, nếu bạn biết tiếng Trung thì nên chuyển ngôn ngữ sang tiếng Trung thì sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn nữa.

Riêng khu vực Tân Cương chỉ có một số khách sạn, hostel cho phép người nước ngoài lưu trú. Vì vậy, khi đặt phòng, bạn phải chắc chắn về điều này.

Lịch trình gợi ý

Để đi từ Tây An tới Kashgar bạn cần ít nhất 2 tuần. Nếu bạn có một tuần thì bạn chỉ nên tập trung vào 3 thành phố ví dụ như Tây An, Trương Dịch, Đôn Hoàng hoặc Turpan, Kashgar và Khâu Từ. Nếu bạn có 2 tuần thì lịch trình gợi ý như sau:

Ngày 1- 2: Tây An. Tham quan thành cổ Tây An, bảo tàng lịch sử Thiểm Tây, tháp Đại Nhạn, khu phố người Hồi và đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng.

Ngày 3: Tham quan Mạch Tích Sơn - địa điểm có nhiều tượng và tranh Phật giáo được khắc trên đá hoặc tới núi Hoa Sơn nổi tiếng cách Tây An hơn 100km.

Ngày 4-6: Khám phá Trương Dịch với hai địa danh nổi tiếng là Núi cầu vồng và Băng câu Đan Hà, chùa phật giáo Tây Tạng Mã Đề được khoét sâu vào núi đá, hẻm núi Pingshan, chùa Đại phật.

Ngày 7-8: Đôn Hoàng với hang Mạc Cao, ốc đảo xanh giữa sa mạc Nguyệt Nha Tuyền, trượt cát trên đồi cát Minh Sa, thăm trường thành còn sót lại từ thời nhà Hán, cửa ải Ngọc Môn, Dương Quan và công viên địa chất Yardang.

Ngày 9: Turpan với thành cổ Giao Hà, Cao Xương, Tháp Tô Công và làng cổ Toyuk.

Ngày 10-12: Tới Kashgar tham quan thánh đườngIdKah, khu lăng mộ gia tộc Afāq Khoja, khu phố cổ, chợ gia súc, chợ Chủ Nhật.

Ngày 13-14: Khâu Từ với thiên phật động Kizil, thánh đường Khâu Từ và hẻm núi Thiên sơn.

Chi phí trung bình

Vé máy bay: từ 500-700USD (tương đương từ 11.700.000-16.500.000VND) tùy thời điểm bạn mua vé.

Lưu trú: từ 10-30USD/người (tương đương 230.000-700.000VND).

Ăn uống: từ 20USD/người/ngày (tương đương 450.000VND).

Chi phí đi lại: bằng các phương tiện công cộng như tàu, tàu cao tốc, taxi, bus: 5-10 USD/người/ngày (tương đương 115.000-230.000VND).

Ẩm thực

Kinh nghiệm du lịch Con đường tơ lụa phần 2 ảnh 11

Khu phố ẩm thực của người Hồi ở Tây An

Kinh nghiệm du lịch Con đường tơ lụa phần 2 ảnh 12

Bánh mì Naan rất phổ biến ở Tân Cương

Ở khu vực các tỉnh thuộc khu vực Tân Cương, người dân đa số là đạo Hồi và giáp với Trung Á nên bạn hãy thưởng thức những món ăn đặc trưng của vùng đất này:

- Pilaf: món ăn được nấu từ gạo, cà rốt, thịt cừu, ớt, hành tây cùng khá nhiều dầu mỡ, đun lửa liu riu trong vài tiếng đồng hồ. Pilaf thường được phục vụ kèm một đĩa rau củ muối chua và gia vị để trung hòa chất béo và kích thích vị giác cho người dùng. Một phần Pilaf khá rẻ, chỉ khoảng 20 tệ (tương đương 70.000 VND).

- Kebab thịt cừu nướng: đơn giản chỉ là những miếng thịt cừu xiên trên que và nướng trên than củi, để ăn đỡ bị ngán thì cứ một miếng thịt nạc sẽ xen kẽ một miếng mỡ cừu. Đặc biệt, giá của món ăn này rất rẻ, chỉ từ 3–7tệ (tương đương 12.000 – 20.000 VND) cho một xiên thịt thơm lừng, nóng hổi.

- Lagman: món mì nổi tiếng của người Duy Ngô Nhĩ, sợi mì được làm từ bột, nước, muối và dầu, sau khi được luộc chín với nước sẽ dai, mềm, ăn kèm với hỗn hợp nước sốt gồm hành tây, ớt, thịt cừu, rau cải, gia vị, hạt tiêu, ớt bột. Lagman có giá từ 15–25 tệ/phần (tương đương 50.000 – 80.000VND)

- Bánh mì Naan: đây là loại bánh mì vô cùng quen thuộc ở các nước Trung Á và Nam Á. Nguyên liệu để làm bánh Naan bao gồm bột, nước, muối, dầu và một chút đường. Naan có giá từ 3–5 tệ/chiếc (tương đương 10.000–15.000VND)

Lưu ý

Khi tham quan con đường tơ lụa ở khu vực Tân Cương bạn hãy lưu ý những điều sau:

- Ở Tân Cương việc kiểm soát khá chặt chẽ, ở ga tàu, trên đường đi, trước mỗi điểm tham quan đều có trạm kiểm soát vì vậy bạn hãy luôn mang theo hộ chiếu, bản photo hộ chiếu bên mình.

- Bạn không nên mua dao Duy Ngô Nhĩ ở Kashgar nếu còn di chuyển nhiều nơi trong nội địa Trung Quốc, vì khi lên tàu hoặc máy bay tới những địa điểm khác, hải quan sẽ tịch thu ngay lập tức. Loại dao này không được mang ra khỏi Tân Cương bằng đường máy bay, cho dù có gửi hành lý. Cách duy nhất là gửi bằng đường bộ về Việt Nam.

>> xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Con đường tơ lụa phần 1 - Tour du lịch Trung Quốc

nguồn: www.traveloka.com/vi-vn/explore/tips/kinh-nghiem-du-lich-con-duong-to-lua/127446

 
Bạn đang xem: Du lịch Con đường tơ lụa Trung Quốc mùa nào đẹp nhất (Kinh nghiệm du lịch Con đường tơ lụa phần 2)
Bài trước Bài sau
Đăng nhập
Đăng ký
Hotline: 0967 966 777
x